“Mẹ ơi, mẹ có chết không?”: Câu trả lời khác biệt từ 2 người mẹ quyết định mức độ thành công và hạnh phúc của cuộc đời con

Khi nói về cái chết, tất cả chúng ta đều chẳng khác gì một đứa trẻ ngây ngô, bởi thực tế trong suốt đời mình, chúng ta chưa từng được giáo dục về cái chết.

Trong cuộc sống của chúng ta, cái chết luôn là chủ đề cấm kỵ. Hầu hết mọi người nhắc đến cái chết đều tỏ ra e dè, trốn tránh. Không ai muốn nhắc đến, không ai muốn thốt ra những lời nói xui xẻo. Nhưng cuộc đời của mỗi người, sống và chết luôn đồng hành cùng với nhau.

Dù sớm hay muộn thì bất cứ ai cũng phải đối mặt với cái chết. Cho đến cuối cùng, điều mà mọi người thật sự sợ hãi nhất là cuộc đời của họ đã xứng đáng hay chưa, có trọn vẹn và có hạnh phúc hay không.

Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Bạch Nam Tông từng khẳng định: “Khi nói về cái chết, tất cả chúng ta đều chẳng khác gì một đứa trẻ ngây ngô, bởi thực tế trong suốt đời mình, chúng ta chưa từng được giáo dục về cái chết”.

Câu chuyện thứ nhất

Một đứa trẻ đang xem tivi có cảnh đám tang. Nó đã quay sang hỏi mẹ mình rằng: “Mẹ ơi, mẹ có chết hay không?”.

Người mẹ sững lại một lúc, cảm thấy rất bối rối và hỏi: “Con biết chết là thế nào không?”.

Đứa trẻ im lặng lắc đầu. Người mẹ giải thích: “Chết là khi mình không còn thở nữa. Nếu mẹ chết, con sẽ ở với bố. Còn mẹ thì giống như con thấy trên tivi đó, mẹ sẽ nằm im trong quan tài rồi được chôn dưới đất. Sau này con sẽ không còn gặp được mẹ nữa, không thể nói chuyện với mẹ nữa”.

Nghe xong câu trả lời, đứa trẻ khóc òa lên nức nở: “Không được, con không cho mẹ chết. Mẹ không được chết!”.

Một lúc sau, nó bình tĩnh lại và nói: “Mẹ chết thì con cũng sẽ chết. Mẹ mà chết bố sẽ cưới mẹ khác. Bà ta sẽ giống như mẹ kế của Bạch Tuyết, sẽ đánh đập, hành hạ, mắng nhiếc con. Con sợ lắm, con không muốn sống”.

Người mẹ ôm con vào lòng an ủi: “Được rồi, mẹ không chết. Con đừng lo, mẹ cũng không cho con ở với mẹ kế đâu. Mẹ ở bên con suốt đời”.

Ánh mắt của đứa trẻ chứa đầy sự hoang mang và nghi ngờ. Dù nhận được câu trả lời phủ định của mẹ nhưng nó vẫn luôn sợ hãi, lâu lâu lại quay sang hỏi mẹ: “Mẹ không chết thật chứ?”.

Câu chuyện thứ hai

Điều tương tự cũng xảy ra trong một gia đình khác, đứa trẻ hỏi mẹ nó rằng: “Mẹ có chết không?”.

Người mẹ này quay sang nhìn con cười: “Đúng rồi, bất cứ ai cũng phải chết cả. Giống như cái lá trên cây, đến mùa thu nó sẽ rụng xuống. Ai cũng có một tuổi thọ nhất định, và chết là một kết quả tất yếu”.

Đứa con lắc đầu nguầy nguậy: “Sao thần tiên lại không chết? Mẹ cũng giống như thần tiên, mẹ sẽ ở cạnh con mãi mãi”.

Người mẹ ôn tồn nói: “Cậu bé ngốc này, chuyện đó chỉ có ở trên phim thôi con ạ. Ai cũng sẽ chết”.

Đứa con buồn bã mắt ngấn lệ: “Con không muốn mẹ chết. Con không cho mẹ chết đâu”.

Người mẹ ôm con vào lòng an ủi: “Con nhớ là mỗi người chỉ sống được một lần thôi. Chúng ta phải trân trọng cuộc sống của mình, phải sống cho trọn vẹn và xứng đáng để đến khi chết sẽ không phải hối tiếc. Dù thế nào đi nữa, mẹ vẫn mãi mãi yêu con. Dù mẹ có chết, mẹ vẫn ở trong tim con và cùng con đi những chặng đường trong tương lai. Mẹ sẽ yêu con theo cách khác, dõi theo con và chờ đợi được nhìn thấy những điều tuyệt vời mà con sẽ làm được sau này”.

Đứa trẻ bỗng nhiên nhẹ nhõm: “Mẹ à, không sao đâu, mẹ có chết con cũng yêu mẹ trong lòng. Con cũng sẽ vui vẻ và ngoan ngoãn vì con biết mẹ chắc chắn sẽ rất vui khi nhìn thấy con như vậy. Đúng không mẹ?”.

Nói với con về cái chết như thế nào?

Người mẹ đầu tiên chọn cách trốn tránh, không muốn con phải nhìn thẳng vào cái chết. Thay vì hướng dẫn con, mẹ lại nói ra điều phi thực tế là mẹ sẽ không chết, sẽ ở bên con suốt đời. Câu trả lời mang tính an ủi nhưng chỉ làm cho con càng thêm hoang mang và sợ hãi về cái chết một cách mơ hồ. Chính nỗi sợ này tạo nên tâm lý bất an trong lòng trẻ.

Trong khi đó, người mẹ thứ hai đã có một câu trả lời hoàn hảo và thông minh. Mẹ bình tĩnh đối mặt với chủ đề cái chết, nói rõ ràng với con cái rằng ai rồi cũng sẽ chết, đây là chuyện đương nhiên. Người mẹ cũng nhấn mạnh rằng, việc chúng ta phải làm không phải là trốn tránh mà phải trân trọng từng ngày mình sống. Cái chết của con người không đáng sợ, chỉ cần có tình yêu tồn tại trong tim, không có gì phải sợ hãi.

Là cha mẹ, khi một đứa trẻ nói với bạn về sự sống và cái chết, trốn tránh và tức giận không phải là cách giải quyết đúng đắn. Giáo dục về cái chết thật sự là một phần rất quan trọng của giáo dục cuộc sống.

Cách đối mặt với cái chết quyết định cách chúng ta đối mặt với cuộc sống hiện tại, ảnh hưởng đến cách sống và tất cả những quyết định lớn nhỏ trong cuộc sống. Chỉ có những đứa trẻ được hiểu chính xác về cái chết, chúng mới có đủ dũng khí và biết trân trọng cuộc sống, nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày.

nguồn Afamily

Bài viết liên quan