Giáo dục giới tính: Trách nhiệm của ai?

Chúng ta đang quá xem nhẹ tầm quan trọng của việc chung tay GDGT cho con trẻ! Hiện tượng quan hệ tình dục (QDTD) của giới trẻ đã diễn ra sớm hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đây. Điều đáng lo ngại là khảo sát gần đây nêu ra số liệu 92% trong số các em QHTD đã không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Gần như 100% thanh thiếu niên chưa chủ động trang bị các kiến thức Sức Khoẻ Sinh Sản (SKSS). Trong tình huống lạc quan, khi phụ huynh đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc GDGT, thì đó vẫn là một vấn đề hết sức tế nhị, đòi hỏi sự am hiểu về những đặc điểm tâm sinh lí, giới tính, tính dục theo độ tuổi. Trong tình huống khách quan, dù rằng các bậc cha mẹ, thầy cô, người lớn có quan tâm hay lảng tránh hoặc vòng vo khi đề cập đến vấn đề này thì tỉ lệ phá thai đang ở mức BÁO ĐỘNG!

⭕️Báo động Việt Nam: 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên (thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình).

⭕️Có em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần. Có những em chưa kết hôn đã nạo phá thai 6 lần. Quá đau đớn, khi Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 5 thế giới về nạo phá thai. Đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì theo ghi nhận, chưa thể thống kê các ca nạo phá thai tại các phòng khám tư nhân không đăng ký hợp pháp.

⭕️Hậu quả là gì? Không dừng lại ở việc phải bỏ học, ảnh hưởng tâm lý, bị mắc bệnh trầm cảm trong một giai đoạn, mà vấn nạn này kéo theo hệ lụy sức khỏe – tâm thần trong suốt cuộc đời các em gái. Tỷ lệ vô sinh (nhất là vô sinh thứ phát) ngày càng gia tăng, kéo theo hệ lụy của cả một dân tộc Việt. Phòng hơn tránh! Để tới mức “cháy nhà rồi” thì mọi thứ thật khó khắc phục. Giải pháp không khó, và có sẵn: các em cần được học các chương trình giáo dục giới tính toàn diện. Tại đây, cô Thơm xin được đưa ra 3 “điểm an toàn” để các em có thể tiếp nhận thông tin GDGT. Quan điểm cá nhân của cô đơn giản thôi: “Việc chung tay GDGT cho con trẻ là vấn đề Khẩn Thiết và Quan Trọng. Đó là trách nhiệm không của riêng ai!”

1. Giáo dục giới tính ở gia đình.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Hiển nhiên là vậy, lối sống của gia đình ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm sống của thanh thiếu niên. Nhận thức của trẻ được hình thành từ lời nói, cử chỉ giao tiếp sinh hoạt hằng ngày. Các chuyên gia đã hướng dẫn việc GDGT nên bắt đầu từ khi bé 2 tuổi. Rồi dần dần, mỗi giai đoạn trẻ phát triển, ba mẹ chủ động bổ sung kiến thức GDGT phù hợp cho con. Đáng buồn thay, nhiều bậc phụ huynh lúc nào cũng bận mải công việc. Tay không buông lơi cái điện thoại. Tâm trí luôn đặt vào thành tích học tập, hoặc việc nhà hàng xóm, hoặc hàng ngàn những tin tức lộn xộn trên báo lá cải. Nhiều ba mẹ xưng mày – tao với con, sử dụng những ngôn từ chợ búa, miệt thị khi so sánh con với “con nhà người ta”, hoặc là phán xét nói xấu ai đó trước mặt con. Ai cũng bận, ai cũng có cách giải trí theo cái lý của mình…
Cứ thế, Cứ thế, ai có thời gian quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì? Ai có thời gian đi học các lớp làm cha mẹ hay đơn giản là đọc một cuốn sách về phương pháp giáo dục trong gia đình? Họ chỉ biết đến con khi mà mọi sự đã rồi không thể cứu vãn được nữa. Trăn trở: Làm như thế nào để gia đình là nơi cung cấp những thông tin GDGT cần thiết, là mái ấm để các bạn trẻ luôn thấy an toàn, tin tưởng?
2. Giáo dục giới tính trong nhà trường.
Thầy cô giáo chính là người thổi hồn nhân cách cho học trò. Điều cốt lõi là làm sao giáo viên có thể truyền đạt kiến thức GDGT cho học sinh tiếp nhận nó một cách tự nhiên, thoải mái. Tuỳ theo môi trường thành thị hay thôn quê, tuỳ theo sự phát triển của Internet, tuỳ theo việc bé là Nam-Nữ hay thuộc cộng đồng LGBTQ+, thì thái độ học tập của các em sẽ khác. Thái độ này khá đa dạng và phức tạp: từ tò mò, tinh quái, ham học tới e dè, ngại ngùng, hổ thẹn, thậm chí là kỳ thị, chối bỏ. Trăn trở: Làm như thế nào để GDGT trong nhà trường trở thành chuyên nghiệp, vui vẻ để các bạn trẻ tự tin trao đổi thông tin, thảo luận & học tập?
3. Giáo dục giới tính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet.
Đuổi theo lượt view và thị hiếu, nhiều kênh ưu tiên trình chiếu game show, phim ngôn tình, lãng mạn hoá tình yêu tình dục. Nói chung là thiên về giải trí, phục vụ mục tiêu quảng cáo lấy doanh thu. Ta có thể dễ dàng nhìn thấy những cảnh hành động của các anh hùng, tiếp sau đó là những cú lên giường nóng bỏng, nhân vật chính hoan lạc bên các cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Thế rồi, các bé hình thành tư duy phải đẹp, phải hào nhoáng… Dần dà các giá trị lõi, các phẩm chất cao quý, các hoài bão tuổi trẻ, tinh thần nhiệt huyết cống hiến phụng sự dần nhạt phai. Điểm sáng trong bức tranh tối, là một số kênh báo chí, truyền thanh có các chuyên mục về tư vấn tâm – sinh lí, tình yêu cho giới trẻ. Sự lắng nghe, tương tác kịp thời này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khám phá đặc điểm cá thể…, giúp giới trẻ ngày càng nhận thức đúng đắn về nhu cầu cũng như quan niệm về vấn đề tình yêu, giới tính – tình dục. Chung quy lại, khách quan mà nói, trong bức tranh GDGT toàn dân, chúng ta vẫn thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp. Mới chỉ đụng đâu sửa đó chứ chưa đưa ra những thông tin dự báo giáo dục từ gốc rễ Trăn trở: Làm như thế nào để GDGT trên truyền thông trở thành chủ đề quốc dân, đa chiều, sâu sắc để các bạn trẻ được tiếp nhận những “thức ăn của tâm trí” một cách lành mạnh, để các em có những quyết định quan trọng trong cuộc đời từ các tri thức đúng? Lời cuối, cô Thơm nhấn mạnh rằng trách nhiệm GDGT không của riêng ai, mà đó là nhiệm vụ của toàn xã hội. Sự chung tay thống nhất trong giáo dục giới tính càng ngày càng cấp bách và quan trọng. GDGT chuẩn mực sẽ góp phần xây dựng nhân cách sống, thế giới quan chân thiện mỹ cho thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.
Giải pháp nào để các em tự học, tự rèn được những kiến thức tinh hoa?
Giải pháp nào để các em tìm được tình bạn – tình yêu chân chính?
Câu trả lời cho các câu hỏi trên, đều nằm trong trang website này.
Kính mong độc giả tận hưởng và tìm thấy câu trả lời phù hợp cho chính mình.
(THƠM TERESA)